Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

GÓP PHẦN NHÌN NHẬN BẢN CHẤT DÂN CHỦ HÓA ĐỜI SÔNG XÃ HỘI

Ngày nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, của nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin, mà dân chủ hóa, bảo đảm quyền con ngườ đang trở thành một trong những xu thế của thế giới đương đại. Dân chủ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thu hút sự quan tâm của các quốc gia, dân tộc, các chế độ chính trị khác nhau. Có thể nhận thấy: Mục tiêu cơ bản của vấn đề dân chủ về giải phóng, hoàn thiện xã hội và phát triẻn tiềm năng, bảo đảm nhu cầu, lợi ích chính đáng của con người đã có mặt, chi phối nhiều diễn đàn quốc tế khi bàn về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, với mục đích, lập trường khác nhau, vấn đề dân chủ đã được nhận thức, theo đuổi, lựa chọn, triển khai trong thực tiễn, và kết quả đạt được cũng khác nhau.

1.Trong cuộc đấu tranh chống thần quyền, vương quyền của giai cấp phong kiến, dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, bảo vệ chân lý khoa học, giai cấp tư sản đã gương cao ngọn cờ chống lại sự nô dịch tinh thần, đàn áp tư tưởng, đòi tự do, bình đẳng, bình quyền, tự do cá nhân, xây dựng xã hội công dân tư sản với các quyền dân chủ của con người được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, khi giành được chính quyền, do bản chất bóc lột giai cấp công nhân, người lao động của chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, bản chất giai cấp của thể chế chính trị nói chung, nhà nước tư sản nói riêng nên nền dân chủ tư sản hướng vào bảo vệ lợi ích, quyền thống trị của giai cấp tư sản. Chính vì vậy, tính giai cấp của dân chủ bị xuyên tạc, phủ nhận, có chăng chỉ là sự thừa nhận tính xã hội, các giá trị chung, phổ biến của dân chủ. “Chế độ dân chủ tư sản, tuy giá trị không thể phủ nhận của nó là ở chỗ đã giáo dục và rèn luyện giai cấp vô sản đứng lên đấu tranh, nhưng trước sau nó vẫn chặt hẹp, giả dối, giả mạo, nó luôn luôn vẫn là một thứ dân chủ cho những kẻ giàu và là một trò bịp bợm đối với những người nghèo”[1].
Tính chất không triệt để, bị cắt xén, không tuân thủ theo tuyên ngôn về tự do, bình đẳng, bác ái khi tập hợp lực lượng càng bộc lộ rõ khi chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang đế quốc chủ nghĩa. Trước áp lực đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động, giai cấp tư sản trấn áp, bót nghẹt dân chủ nhằm bảo vệ quyền thống trị, kể cả phát động chiến tranh thế giới, chiến tranh xâm lược, dùng vũ lực can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền là thành viên của Liên hợp quốc.
Do nắm ưu thế về khoa học công nghẹ, khống chế xã hội thông tin, lũng đoạn, thâu tóm toàn cầu hóa, các nước tư bản, nhất là các nước tư bản phương Tây đã ra sức tuyên truyền về nền dân chủ tư sản, coi đó chuẩn mực, có khả năng nhân rộng  trên phạm vi thế giới. Trong đó tập trung tô vẽ chế độ đa nguyên, đa đảng đối lập, kể cả có sự tồn tại của các đảng cộng sản và công nhân; trong khi thực chất các đảng chính trị đó chỉ là sự tiếp nối, khuyếch trương, bành trướng từ lợi ích kinh tế sang lợi ích chính trị của các thế lực, nhóm, tập đoàn tư bản. Chính các thế lực, nhóm, tập đoàn tư bản nắm gần như toàn bộ khối tài sản xã hội là lực lượng đứng sau lưng, khống chế, thao túng, bảo hộ cho các đảng chính trị vận động tranh cử, giành giật, chia sẻ quyền lực nhà nước, điều chỉnh các chính sách quản lý đời sống xã hội. Tuy thế, các chính đảng, lực lượng đó không bao giờ từ bỏ mà vãn thống nhất, thỏa hiệp về quyền lợi giai cấp. Trong khi đó, đảng cộng sản, các lực lượng đối lập khác với cơ sở kinh tế - xã hội nhỏ bé của đa số công nhân, người lao động thì việc vươn lên nắm quyền lực xã hội thông qua nghị trường sẽ chẳng nào như trứng chọi đá. Không những nắm ưu thế về kinh tế, tài sản xã hội, giai cấp tư sản còn là lực lượng khống chế tư tưởng, dư luận xã hội thông qua sự độc quyền, làm mưa làm gió của các tập đoàn  tư bản truyền thông.
Vì vậy, tuy gọi là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhưng cốt lõi, xuyên suốt vẫn là nhất nguyên, và dân chủ tư sản không phải là nền dân chủ giành cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quyến lãnh đạo xã hội vẫn là đảng của giai cấp tư sản. Toàn bộ thiết chế dân chủ của nền dân chủ tư sản từ việc tổ chức ra nhà nước đến các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện chỉ nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ lợi ích, quyền sở hữu của giai cấp tư sản, truyền bá tư tưởng tư sản chống lại tư tưởng tự do, dân chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
2. Đối với chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, học thuyết Mác- Lênin công khai tính giai cấp của dân chủ, chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ triệt để, một nền dân chủ “do nhân dân tự quy định”, là bước chuyển từ “nhân dân của nhà nước” sang “nhà nước của nhân dân”, “dân chủ xuất phát từ con người” và “pháp luật vì con người” trên thực tế; một xã hội mà “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người”[2]. Tức là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thừa nhận, bảo đảm sự thống nhất lợi ích, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong đó, nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm bằng tính thượng tôn của pháp luật (pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản), bởi vì, “ không có một đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh, không có một đảng được tín nhiệm của tất cả các phần tử trung thực trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động, không có một đảng biêt nhận xét tâm trạng của quần chúng và biết tác động vào tâm trạng đó thì không thể tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống những thế lực và những tập tục của xã hội cũ”[3]. Dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, thống nhất và ràng buộc lẫn nhau về quyền lợi và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm, lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được thực hiện bằng nhiều hình thức, cơ chế khác nhau.
Như vậy, dân chủ xã hội chù nghĩa là nền dân chủ của nhân dân, vì nhân dân, vì sự hoàn thiện, phát triển toàn diện con người. Nhân dân là chủ thể duy nhất của quyền lực nhà nước “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/bao nhiêu quyến hạn đều của dân”[4]. Đấu tranh cho dân chủ luôn đồng hành với đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, do chủ quan, duy ý chí, không có biện pháp khắc phục hiệu quả sự tha hóa quyền lực khi đảng cộng sản cầm quyền, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã bị hình thức hóa, xa rời bản chất vốn có, bị vi phạm nguyên tắc, vừa quan liêu xa rời quần chúng, vừa bị buông lỏng, thiếu kỷ cương. Đó chính nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ, tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải từ bản chất của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
3. Ở Việt Nam, nhất là trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận thức được xu thế dân chủ hóa, bảo đảm quyền con người của thế giới hiện đại và vai trò, bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đã đề xướng, nhấn mạnh quan điểm “Lấy dân là gôc”, đề ra phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; giải quyết mối quan hệ giữa dân chủ - đoàn kết và khẳng định sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với quần chúng, qua đó làm nổi bật giá trị cốt lõi của nền dân chủ mới. Từ Hội nghị lần thức 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (tháng 3/1989) đã xác định thực chất, mục đích của việc đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị là đổi mới, tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, Trong hệ thống chính trị ấy, Đảng vừa là thành tố, vừa là lực lượng lãnh đạo. Cùng với kết quả, thành tựu của công cuộc đổi mới, quan điểm về dân chủ và hệ thống chính trị không ngừng được phát triển, hoàn thiện dần, để cho dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự là một hình thức chính trị - nhà nước của xã hội, là thiết chế bảo đảm quyền dân chủ, khẳng định quyền công dân, quyền con người, nhân dân là chủ thể của quyền lực,.  Do đó không có cơ sở để nói rằng, đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo là toàn trị, độc đoán, thiếu dân chủ.
Trong hệ thống chính trị, chúng ta chủ trương và triển khai trên thực tế việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ nguyên tắc tâp trung dân chủ, thực hiện quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước đó do dân bầu ra, được nhân dân ủy quyền, là công cụ để thực thi những quyền chinh đáng của nhân dân, chịu sự giám sát, kiểm tra trực tiếp và thông qua các tổ chức đại diện của nhân dân. Nhân dân có quyền thảo luận, tham gia vào các quyết định của nhà nước thông qua tổ chức lấy ý kiến, các diễn đàn[5]. Việc đổi mới chức năng, hoạt động của Quốc hội, cải cách hành chính, cải cách thể chế, hoạt động của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp; đổi mới hoạt động tổ tụng của cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật được tích cực triển khai thực hiện đã làm cho Nhà nước thực hiện tốt chức năng giai cấp và chức năng công quyền; đảm bảo cho mọi công dân, tổ chức, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp…đều bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm dân chủ có kỷ luật, kỷ cương.
Đảng lãnh đạo Nhà nước, làm cho Nhà nước không chỉ chịu trách nhiệm trước dân, mà còn chịu trách nhiệm trước Đảng - đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mọi luận điệu đòi “Trả lại quyền lực cho Nhà nước”, xóa bỏ tính hợp hiến về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước chỉ là sự ngụy biện, là không dám thừa nhận tính giai cấp của nhà nước, là đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Để tạo nền tảng vật chất- kinh tế cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, hiện thực hóa dân chủ về kinh tế, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để có kinh tế thị trường, phải có sự tồn tại của nhiều chế độ, hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, người dân có quyền tham gia vào quá trình sở hữu, sản xuất, quản lý và phân phối nguồn lực, của cải xã hội. Trong khi khẳng định phân phối theo lao động, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; là sự thừa nhận phân phối theo các nguồn lực đóng góp vào quá trình sản xuất kinh doanh, thông qua phúc lợi xã hội và sự phát triển của kinh tế tư nhân. Những vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách đã, đang được nhận thức và tổ chức triển khai theo hướng phát huy mạnh mẽ tiềm năng, tính sáng tạo của các tổ chức, các tầng lớp dân cư, cá nhân vào phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tài năng. Có chính sách hỗ trợ cho các vùng, miền, dân cư gặp khó khăn, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận nguồn lực, thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội.
Vè mặt xã hội, thái độ đối với nhu cầu, lợi ích chính đáng, tâm trạng, dư luận xã hội đã và đang được quan tâm, giải quyết cả trực tiếp và gián tiếp, nhất là những bức xúc của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công khai hóa, minh bạch hóa thông tin, kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa sự phát triển của cá nhân với sự phát triển của xã hội nhằm mục tiêu giải phóng con người. Các tổ chức chính trị- xã hội, Mặt trận Tổ quốc ngày càng thực hiện tốt vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chức năng giám sát và phản biện xã hội. Tập trung thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, các đối tượng chính sách. Chú trọng thể chế hóa việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, đảm bảo cho dân chủ bao hàm bình đẳng và công bằng xã hội. Cùng với pháp luật, là quy chế dân chủ ở cơ sở để mở rộng quyền làm chủ, trách nhiệm tự quản của nhân dân.
Tuy trong xã hội ta còn có những bức xúc, nhất là trong vấn đề giải quyết đất đai, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp; nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, thì đó lại là sự phản ánh đời sống dân chủ của xã hội.
Qua đó, thấy rằng, không cần thiết phải xây dựng “xã hội dân sự”, vì “xã hội dân sự” không phải là mô hình đem lại quyền làm chủ của nhân dân, mà chỉ đem đến sự vô chính phủ, hỗn loạn cho xã hội, khơi mào cho sự chống đối, phản kháng tiêu cực, tiếp tay cho các lực lượng có thâm thù với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Rõ ràng, để nhìn nhận tính chất nền dân chủ, cần phải có cái nhìn thấu đáo, sâu vào bản chất, tuy không hợp với cách suy nghĩ của một lực lượng nào đó, nhưng cuộc sống vốn rất công bằng với lẽ phải, và bằng cách này, hay cách khác nó vẫn hiện hữu trên tất cả các lĩnh vực mà có mối quan hệ giữa con người với con người. Tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng đất nước hòa bình, ổn định, người dân được sống trong xã hội an toàn là minh chứng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đang ngày càng được củng cố, hoàn thiện và có thể cảm nhận được.



1. V.i. Lênin, toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, M.1978, tr123

[2] C.Mác và Ph.AWngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t4, tr628
3. V.I.Lênin toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr112
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T15, tr280
[5]Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội phải sửa đổi ngay khi chưa có hiệu lực thi hành 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét