Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN



          Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 70 năm qua, thực hiện tư tưởng quân sự của Người trong Chỉ thị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn bồi đắp bản chất cách mạng, trưởng thành, lớn mạnh, cùng toàn dân tộc chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trong chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một văn kiện chỉ đạo thành lập lực lượng vũ trang cách mạng, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đề cập đến nhiều vấn đề có tầm tư tưởng, quan điểm về phương thức xây dựng, phát triển lực lượng, về động viên và sử dụng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, về phương thức tác chiến, phương châm hoạt động quân sự… Trong đó, tuyên truyền được coi trọng.

          Nhiều tài liệu đã nói rõ việc sau khi nhận được kế hoạch thành lập tổ chức vũ trang, với tên gọi “Việt Nam Giải phóng quân” do đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba chuẩn bị, Chủ tịch Chí Minh đã thêm cụm từ “Tuyên truyền” để thành “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”. Trong Chỉ thị, Người chỉ rõ: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền.
1. Nó là đội tuyên truyền, trước hết đội quân đó phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phát huy lòng yêu nước, ý chí quật cường, tin theo Đảng, ủng hộ và tin theo cách mạng, sẵn sàng đứng dậy, cầm vũ khí chống lại kẻ thù, thực hiện vũ trang toàn dân, đánh địch toàn diện; xây dựng lực lượng chính trị đông đảo, lấy thế mạnh toàn diện bù vào lực yếu cục bộ; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, trong đó sức mạnh chính trị là nền tảng, sức mạnh quân sự là nòng cốt. Lấy tuyên truyền làm chức năng, nhiệm vụ của đội quân cách mạng là sự quán triệt và triển khai thực hiện phương thức huy động sức mạnh của cả nước, quy tụ, tạo ra và sử dụng sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh cách mạng nói chung và trong chiến tranh cách mạng nói riêng. “Đó là tư tưởng quân sự - chính trị, không bao giờ là quân sự đơn thuần ” [1], là chính trị trọng hơn quân sự của tư tưởng Hồ Chí Minh được cụ thể hóa. Không nên chỉ hiểu “Đội tuyên truyền ” là đi giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận, mà tất cả những hoạt động quân sự cách mạng của Đội Việt Nam giải phóng quân chính là hoạt động tuyên truyền thiết thực nhất. Hàm ý trên trong Chỉ thị càng sáng rõ hơn khi gắn với chỉ thị của Hồ Chủ tịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: Sau một tháng thành lập phải có trận thắng.
Các nhà lý luận Mác – lênin đã từng có những luận điểm nổi tiếng về “Vũ trang toàn dân”, “Vũ trang cho toàn thể giai cấp công nhân”, “Các lực lượng vũ trang và bán vũ trang quần chúng”. Ph.¡ngghen ®· viÕt: “Một dân tộc muốn giành độc lập cho mình không được tự giới hạn trong hình thức của chiến tranh thông thường, khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng, các đội du kích ở khắp mọi nơi, đó là phương thức duy nhất, nhờ đó mà một dân tộc có thể chiến thắng một dân tộc lớn, mà một quân đội ít mạnh hơn có thể đương đầu với quân đội mạnh hơn và có tổ chức tốt hơn”.[2]   
 Ngay từ năm 1926, trong thư gửi Hội Vạn quốc, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy, tự hào về truyền thống, nguồn gốc, phương thức đấu tranh quân sự của dân tôc ta, Ngườì cho rằng: Mặt khác, các bạn nghĩ xem, nước Việt Nam trước khi bị Pháp chiếm là như thế nào? Đó là một nước độc lập, biết khiến các nước láng giềng kính trọng trong khi vẫn chẳng sợ chiến tranh và nghĩa vụ quân sự, trong khi để bảo vệ đất nước chỉ dùng đến dân binh[3].
          Trong lịch sử dân tộc, các cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền đô hộ của ngoại xâm, giành độc lập dân tộc đều được bắt đầu bằng việc dựng cờ tụ nghĩa, dần dần phát triển lực lượng từ không đến có, từ yếu đến mạnh, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi toàn bộ. Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang, khuếch trương thanh thế, tạo dựng thế trận lòng dân luôn  được cha ông ta vận dụng sáng tạo. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược Hán (Năm 40), khởi nghĩa Phùng Hưng chống quân xâm lược Đưởng (Năm 770), khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược Minh (Năm1418)…đều theo phương thức xây dựng, phát triển lực lượng, tiến hành đấu tranh quân sự ấy. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ những cuộc kháng chiến thành công từ xa xưa đến gần đây đều là chiên tranh nhân dân yêu nước, kết hợp giữa vai trò của quân chủ lực nhà nước với sự tham gia rộng lớn của các tầng lớp nhân dân, của cả dân tộc, phát huy tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất của đất nước. Ngược lại, những cuộc kháng chiến thất bại, nguyên nhân chủ yếu là, hoặc chỉ đơn thuần dựa vào quân đội, dựa vào thành lũy hoặc để mất lòng dân ”[4].
          Ngay sau khi thành lập, bằng thắng lợi ở Phay Khắt, Nà Ngần, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã tạo niềm tin cho nhân dân vào sự nghệp cách mạng, vào lực lượng vũ trang non trẻ của một dân tộc dù bị bóc lột, tước đoạt đến tận xương tủy, nhưng khi biết đoàn kết vẫn có thể chiến thắng đội quân chiếm đóng của thực dân, phát xit và bọn tay sai được trang bị và huấn luyện đầy đủ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã xâm nhập vào vùng địch kiểm soát, vận động quần chúng, tổ chức cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu, đào tạo cán bộ cốt cán; chia làm nhiều mũi hoạt động quân sự ở Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên. Và sau khi được hợp nhất với Cứu quốc quân và một số đội du kích thành Việt Nam Giải phóng quân, theo Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa, Việt Nam giải phóng quân đã tiến công các vị trí yết hầu, bàn đạp, nhanh chóng tạo ra thanh thế, hiệu ứng mạnh mẽ cho cao trào đấu tranh chính trị, khí thế vùng dậy ngút trời của quần chúng, tạo uy thế áp đảo quân thù, giành thắng lợi nhanh, gọn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
          Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn bám đất, bám dân, phối hợp các lực lượng chiến đấu. Những chiến thắng, nhất là những trận đầu đã hạ uy danh, “huyền thoại” sức mạnh vô địch của kẻ thù, làm nức lòng nhân dân, củng cố niềm tin, ý chí quyết đánh và quyết thắng của quần chúng ở vùng địch tạm chiếm, vùng tự do, vùng địch hậu. Phong trào du kích, rào làng kháng chiến, tự giác tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp; tạo vành đai diệt Mỹ, kết hợp tiến công và nổi dậy trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhờ đó mà đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc chiến thắng đế quốc, tay sai.
          2. Từ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của Quân đội ngày càng được củng cố, phát triển. Đội tuyên truyền trước đây và đội quân công tác ngày nay đã trở thành bản chất truyền thống của Quân đội, đã và đang là định hướng nhiệm vụ chính trị. Đồng thời đặt ra mục đích, yêu cầu xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa Quân đội với nhân dân và công tác dân vận, nhằm hướng đến đối tượng, nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác tuyên truyền; và cần được quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ với tầm mức cao hơn.
          Quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về đội truyền truyền của Quân đội, cần tập trung giáo dục, quán triệt sâu sắc cho các lực lượng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ về mục đích, ý nghĩa của công tác dân vận. Trong đó, nhấn mạnh vai trò công tác dân vận là thực hiện chức năng đội quân công tác của Đảng, là trực tiếp xây dựng thế trận lòng dân trong sự nghiệp quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Làm tốt công tác dân vận là góp phần trực tiếp chuẩn bị tiềm lực, quy tụ, tập hợp, động viên sức mạnh của dân tộc vào công cuộc giữ nước, xây dựng Quân đội. Thời bình nhân dân cùng lực lượng vũ trang, Quân đội chung tay xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Khi có chiến tranh, nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, tự giác cung cấp sức người, sức của, tham gia phối hợp ba thứ quân, tạo thế trận cả nước đánh giặc. Vì vậy, công tác dân vận không chỉ là vì dân, mà thực chất còn vì chính sự nghiệp xây dựng, trưởng thành, cội nguồn chiến thắng của Quân đội, bởi “Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định giành thắng lợi”[5]. Phải làm sâu sắc hơn ý nghĩa của tình quân dân cá nước. Công tác dân vận phải cùng nhân dân trên địa bàn đấu tranh làm thất bại những mưu toan cổ xúy cho tư tưởng quân sự đơn thuần, không kết hợp giữa xây dựng và bảo vệ, bảo vệ và xây dựng trong tình hình mới.
          Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Quân đội đã bằng kết quả, thành tích trong xây dựng, chiến đấu để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ngày nay, niềm tin vào chế độ, vào sự nghệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, vào tiền đồ dân tộc của Nhân dân sẽ được củng cố, nâng cao khi chúng ta có Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc khi có chiến tranh; giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đẩy lùi và ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong thời bình. Đó là thực hiện tốt “Hiếu với dân”. Theo ý nghĩa đó, công tác dân vận, bên cạnh việc tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân, cần tăng cưởng tuyên truyền về bản chất truyền thống, kết quả, thành tích xây dựng và trưởng thành của Quân đội.
          Nhân dân quan tâm, biết đến Quân đội bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hình ảnh trực quan về những đơn vị, quân nhân qua trực tiếp tiếp xúc đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, để tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, cần giáo dục, quán triệt tốt việc giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống Quân đội của từng đơn vị, quân nhân. Toàn quân thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Phải làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong lòng Nhân dân. Thông qua những việc làm cụ thể, giàu ý nghĩa để củng cố niềm tin của Nhân dân vào Quân đội nhân dân, đó thực sự đội quân là của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, dù học tập, công tác tại đơn vị hay hành quân, huấn luyện dã ngoại, làm công tác dân vận đều phải duy trì nghiêm kỷ luật, giữ đúng lễ tiết, tác phong, phát ngôn khi tiếp xúc với Nhân dân. Phải luôn ý thức bảo vệ, tạo sức lan tỏa về danh dự quân nhân, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác của cán bộ, chiến sĩ.
          Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về đội tuyên truyền của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là sự kế thừa truyền thống, tinh hoa quân sự của dân tộc, sự vận dụng sáng tạo lý luận quân sự Mác-Lênin vào thực tiễn. Nó đã góp phần sản sinh ra Quân đội có nhiều chức năng, vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân sản xuất và đội quân công tác; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quôc, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về đội tuyên truyền của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân luôn luôn là kim chỉ nam, phương châm xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; luôn luôn là định hướng nhiệm vụ chính trị công tác dân vận của Quân đội ta.   
         




[1] Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr 190.
[2] Ph. Angghen: Bàn về chiến tranh nhân dân, Bản tiếng Việt, Nxb Sự thật, Hà Nội 1978, tr43
[3] Bùi Phan Kỳ chủ biên: Về học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2013, tr 259
[4] Phan Huy Lê: Nghiên cứu học thuyết quân sự Việt Nam phải đặt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam với những đặc điểm cụ thể của nó, Tìm hiểu học thuyết quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr100
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.480

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét