Kể từ đó, vị thế của
Nhà trường ngày càng được khẳng định: ngày 03/10/1978, Ban Bí thư Trung ương
Đảng đã ra Quyết định số 28/QĐ- TƯ xác định Trường Sĩ quan Chính trị là trường
Đảng tập trung trong Quân đội nằm trong hệ thống đại học Mác- Lênin.
Bắt đầu từ 01/01/1982
theo Quyết định số 814/QP của Bộ Quốc phòng, Trường Sĩ quan Chính trị đổi tên
thành Trường Sĩ quan Chính trị- quân sự, trực thuộc Bộ Quốc phòng, được quyết
định cấp bằng tốt nghiệp Cử
nhân cao đẳng ngành chính trị.
Từ tháng 8/1995, thực
hiện Quyết định 687/QĐ- QP, Nhà trường hợp nhất với Học viện Chính trị quân sự.
Quán triệt Nghị
quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương,
Trường Sĩ quan Chính trị được tái thành lập theo Quyết định số 69/QĐ- BQP ngày
22/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Việc tái lập Trường Sĩ quan Chính trị là chủ trương, giải
pháp chiến lược quan trọng, cốt yếu; là trách nhiệm chính trị trong thực hiện
quan điểm, mục tiêu, phương hướng giáo dục đào tạo của Đảng, Nhà nước.
Trong những ngày cuối năm 2010, Thủ
tướng Chính phủ đó ký Quyết định số 2344/QĐ-TTg ngày 23/12/2010 về thành lập
Trường Đại học Chính trị trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Chính trị.
Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành,
khi hoạt động với tư cách độc lập cũng như khi nằm trong đội hình của Học viện
Chính trị quân sự, Nhà trường luôn luôn thể hiện sự trung thành vô hạn với
Đảng, Tổ quốc XHCN, với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững định hướng chính trị trong công tác
giáo dục- đào tạo, nhất là trong những thời điểm khó khăn, khắc nghiệt của
những năm 1986 – 1991[2]. Kiên trì
với phương hướng đào tạo cơ bản, toàn diện và chuyên sâu, lấy chuyên môn hóa
làm đích; kết hợp đào tạo về chủ nghĩa Mác- Lênin, khoa học xã hội với đào tạo
về quân sự; vận dụng có hiệu quả quy luật
giáo dục hiện đại; gắn chặt với thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng,
nhiệm vụ quân đội, sự nghiệp giáo dục- đào tạo, với đơn vị và chiến trường ... Kết quả giáo dục đào tạo của Nhà
trường đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp
đào tạo đội ngũ trí thức quân sự cách mạng.
Cùng với hoàn thành tốt công tác giáo
dục đào tạo, Nhà trường đã chú trọng rất
sớm thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học
của trường đại học quân sự trên các cấp
độ khác nhau và đạt được thành tích đáng tự hào.
Trong quá trình xây dựng nhà trường
chính quy, tiên tiến, vững mạnh toàn diện, Nhà trường luôn quán triệt và
thực hiện phương châm lấy xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ là then
chốt; thực hiện tốt đoàn kết nội bộ,
đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế.
Bằng Tinh thần đoàn kết gắn bó chặt chẽ
với truyền thống khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm kỷ luật, tự lực, tự
cường, cần kiệm xây dựng, phát triển và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi
nhiệm vụ được giao (trong đó có những nhiệm vụ mà khả năng của Nhà trường
chưa, hoặc khó đáp ứng được) để từng bước xây dựng củng cố tiềm lực chính trị-
tinh thần, tiềm lực sư phạm, tiềm lực khoa học, cơ sở vật chất...Vì vậy, Trường Sĩ quan Chính trị đã trở thành một
trong những
đơn vị những điển hình, mẫu mực về chính
trị, chấp hành kỷ luật, đáp ứng yêu
cầu là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, đội ngũ cán bộ tiêu
biểu về tính tổ chức, tính kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở cơ
sở.
Với thành tích đó, Nhà trường đã
được tặng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, các hạng, đồng chí Phan Đình Linh được truy
tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và nhiều phần thưởng cao
quý khác của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Có được những thành tích và truyền thống
quý báu đó, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị,
các cơ quan Bộ Quốc phòng; các đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội; sự
thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa
phương đơn vị đóng quân, học tập, lao động và công tác; cùng sự nỗ lực cố gắng,
bền bỉ phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao của lớp lớp cán bộ, giảng viên,
học viên, chiến sĩ, nhân viên đã học tập, công tác, phục vụ tại Nhà trường.
Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay
là sự tiếp nối liên tục quá trình xây dựng và trưởng thành của Nhà trường. Để
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị trong thời kỳ mới, tạo sự chuyển
biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo; triển khai đồng bộ, có chất lượng hiệu quả
hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu
mực, Nhà trường xác định: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn
diện các mặt công tác, theo những định hướng cơ bản sau đây:
Một là, thường xuyên,
chủ động quán triệt và cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của trên, nhất là
Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 và Nghị quyết 86 của Quân ủy Trung
ương, các đề án xây dựng hệ thống nhà trường và đội ngũ nhà giáo trong quân
đội. Đây là vấn đề trọng yếu, không chỉ định hướng cho việc xác định mục tiêu,
yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội trong thời kỳ mới, xây
dựng chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp ...mà còn làm cơ sở cho quá
trình củng cố và từng bước phát triển các tiềm lực của Nhà trường, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội
và nhân văn có uy tín trong và ngoài quân đội. Theo đó, cần nắm vững và chỉ đạo
triển khai thực hiện các quan điểm cốt lõi về mô hình nhân cách người cán bộ
chính trị, trọng tâm là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối
sống và phương pháp tác phong công tác; năng lực công tác đảng, công tác chính
trị và công tác quân sự cả bề rộng và bề sâu theo phương châm vừa cơ bản, hệ
thống vừa trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng mục tiêu kép (vừa đào tạo theo
chức danh vừa theo bậc học vấn), nhất là kỹ năng thực hành công tác đảng, công
tác chính trị ở đơn vị cơ sở, đảm bảo cho đội ngũ học viên tốt nghiệp ra trường
với phẩm chất và năng lực mới, có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm
vụ ban đầu và có điều kiện phát triển ở cương vị cao hơn.
Hai là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học - nhân tố có ý
nghĩa quyết định để củng cố và nâng cao vị thế của Nhà trường. Trong đó, tập
trung các nguồn lực sư phạm và khoa học để đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương
trình phù hợp với bước phát triển về loại hình và quy mô đào tạo, bồi dưỡng
theo hướng: phù hợp với đối tượng, thực tiễn xây dựng
và công tác của đơn vị cơ sở; bám sát yêu cầu về phẩm cách của chức danh đào
tạo; từng bước tiếp cận được nội dung của khoa học giáo dục xã hội và nhân văn
quân sự hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp đào tạo, khuyến khích
và tạo điều kiện phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của người học, làm chủ quá
trình chuyển hoá từ đào tạo đến tự đào tạo; vận dụng có hiệu quả các hình thức
đào tạo, giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực, dạy học hợp tác của bậc
đại học. Kết hợp nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học,
làm cho công tác nghiên cứu khoa học đồng hành, một mặt của quá trình thống nhất giáo dục - đào tạo, trước hết tập
trung vào làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của chương trình, nội dung, giải pháp
đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chính trị viên, giáo viên khoa học xã hội
nhân văn, nâng cao hiệu quả tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng- văn
hoá.... Bên cạnh đó, từng bước kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ
nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục, sớm khắc phục những bất cập về tổ chức
biên chế; cơ cấu trình độ, độ tuổi cả ngắn hạn và dài hạn, cả kế cận và lâu
dài. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu biên soạn, nâng cấp kỹ thuật tiến tới bảo
đảm đủ tài liệu, giáo trình, phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên
cứu khoa học.
Ba là, chủ động khắc phục khó khăn, động viên các lực lượng
phấn đấu xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Đó vừa là cơ sở,
vừa là điều kiện và động lực để Nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ được
giao. Trước hết là quán triệt sâu sắc Chỉ thị 917/1999/CTQP của Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn
diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong
sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở
đảng, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng
viên, đoàn viên, hội viên theo tiêu chí phấn đấu học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh; kết hợp tăng cường công tác giáo dục chính trị- tư tưởng
với công tác tổ chức, công tác chính sách, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở,
xây dựng đơn vị an toàn gắn với xây dựng địa bàn an toàn; đẩy mạnh phong trào
Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động. Duy trì nghiêm túc các chế độ sinh
hoạt, học tập và công tác; rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; xây dựng môi trường văn hoá sư phạm lành mạnh, thân
thiện gắn với xây dựng môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp. Tích cực khai
thác các nguồn lực trên các hướng để từng bước tăng cường cơ sở vật chất- kỹ
thuật phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và đời sống.
[1] Theo Lịch sử Trường Sĩ quan
Lục quân 1, vào những năm 1960 đã có chủ trưởng tách tiểu đoàn đào tạo cán bộ
chính trị thành cơ sở đào tạo riêng, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ chống chiến
tranh cục bộ của đế quốc Mỹ nên chủ trương trên chưa thực hiện được.
[2] Trong thời gian này, đồng chí
Trung tướng Văn Cương Hiệu trưởng Nhà trường đẫ khẳng định: Trường Sĩ quan
Chính trị- quân sự phải trở thành một trong những pháo đài của chủ nghĩa Mác,
kiên quyết chống đa nguyên, đa đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét