Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Tác giả: Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị.

40 MÙA CHIM XÂY TỔ
(Tặng mái trường tuổi 40)







Màu thời gian thấm đậm lớp rêu phong
Đẹp nguyên sơ mái trường Thành Cổ
Cây phượng già đã bao mùa hoa đỏ
Tiễn vạn bước chân đi bốn phương trời.

Sắc màu nhân văn lan tỏa nơi nơi
Bên cây súng luôn có đàn, có sách.
Khi Tổ quốc cần, máu xương không tiếc
Nguyện nằm lại biên cương, mãi mãi không về…
Bốn mươi năm vượt gian khó bộn bề
Qua bao lần thay tên, nhập, tách
Trăn trở, miệt mài bên từng trang sách
Để lý luận gần hơn thực tiễn chiến trường.
Bài học hôm nay trên bục giảng đường
Đèn trình chiếu thay dần bụi phấn.
Hoa khoe sắc bên dây phơi áo lính
Giúp thăng hoa câu “quan họ yếm đào”.


Mấy thế hệ chung bước dưới cờ sao
Cây trái chín, nụ chồi tiếp nối
Pho sử Trường mở sang trang mới
Vẫn đậm tên ai xây móng, đắp nền.

Làn hương thờ các Liệt sĩ học viên
Tỏa nhuộm màu xanh lá xà cừ cổ thụ
Che bóng mát gọi chim về xây tổ
Để một mai tung cánh hướng chân trời./.


ĐỌC BÀI THƠ “40 MÙA CHIM XÂY TỔ” CỦA PHẠM QUỐC TRUNG
Hồng Chuyên
Một mái trường tọa lạc trong thành cổ, rêu phong, đã bao năm thăng trầm tách nhập, nhưng ngôi trường ấy đã vượt qua, đã đào tạo hàng vạn học học viên cán bộ. Ngôi trường ấy luôn gắn liền với chiến trường, gắn trực tiếp, máu xương của cán bộ học viên nhà trường đã nhuộm đỏ biên cương Tổ Quốc
Ngôi trường ấy đào tạo ra những người cầm súng, nhưng bên súng luôn có sách có hoa có đàn, ấy là đặc trưng của đào tạo cán bộ chính trị, là truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị. Ngôi trường ấy lại được đắm mình trong một vùng văn hóa quan họ càng làm thấm đượm và thăng hoa thêm chất nhân văn.
Đã 40 năm, biết bao thế hệ đã góp công tạo lập, và giờ đây ngôi trường đang từng ngày từng giờ thay đổi, tiếp cận nhanh chóng với hiện đại, nhưng người sau luôn trân trọng ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước. Mãi mãi ngôi trường như tổ ấm, nuôi lớn bao thế hệ tiếp nối nhautừ đây tung cánh tới bốn phương trời…
Có người sẽ nghĩ là tôi đang tóm tắt lịch sử Trường Sĩ quan Chính trị? không, đừng ngạc nhiên, tôi vừa tóm tắt nội dung bài thơ 6 khổ 24 câu “40 mùa chim xây tổ” của Phạm Quốc Trung.
Có thể nói không ai giỏi hơn Phạm Quốc Trung trong việc khái quát những gì cần nói và đưa vào thơ, tất cả như được cô đặc, chắt lọc lại trong bài thơ, từng giọt, từng chữ. 
Nhưng nội dung cũng chỉ là một nửa, thậm chí ít hơn. Tác giả không chỉ muốn người đọc hiểu mà còn muốn người đọc cảm được tinh thầnbài thơ qua những biểu tượng, những hình tượng mà chỉ có người “Sĩ quan chính trị” mới hiểu, đó là cây xà cừ cổ thụ, là cây phượng già mỗi mùa tan trường lại trổ hoa đỏ rực, là khói hương lan tỏa từ phòng tưởng niệm, là sự trăn trở để nhà trường gần hơn với chiến trường, là những bộn bề gian khó mà chỉ riêng ngôi trường này mới trải qua. Tất cả được tác giả nói đến nhẹ nhàng, thậm chí thoáng qua nhưng trong đó trĩu nặng sự trân trọng, yêu mến, trăn trở. Đó là cả một tình yêu.
Tôi đặc biệt thích khổ cuối:
“Làn hương thờ các liệt sĩ học viên
Tỏa nhuộm xanh lá xà cừ cổ thụ
Che bóng mát gọi chim về xây tổ
Để một mai tung cánh hướng chân trời./.”
Người đọc sẽ thích thú với hình tượng làn khói hương thiêng liêng bay lên như nhuộm xanh thêm vòm xà cừ, để cái vòm xanh đó che chở cho tổ ấm nuôi lớn những cánh chim ngày mai sẽ tung cánh bay rộng bốn phương trời. Ai ở Sĩ quan chính trị cũng biết cả tòa nhà S50, nơi có Phòng tưởng niệm trọn vẹn nằm dưới bóng cây Xà Cừ cổ thụ. Chắc hẳn tác giả từng đứng giữa sân, nhìn những làn khói bay ra từ phòng tưởng niệm và nghĩ tới câu thơ này. Sự hy sinh của các liệt sĩ không bao giờ là uổng phí, sự hy sinh đó đang góp phần vào sự nghiệp trồng người của Trường Sĩ quan Chính trị. Quá khứ tiếp nối tới hiện tại, tương lai. Chỉ có như thế mới chúng ta mới có thể đào tạo ra những Con Người, những Cán Bộ Đảng Viên viết hoa. Chỉ có thể đi tới, bay tới tương lai từ sự trân trọng thực sự với lịch sử hào hùng.
Tôi chợt hiểu phải tâm huyết lắm, nung nấu lắm mới viết được như thế.


Đã gửi từ iPad của tôi
Một comment về "40 MÙA CHIM XÂY TỔ"

Một bài thơ hay không phải chỉ mượt mà ở câu chữ, mà trên hết là ở tình cảm của tác giả thấm ướt bên trong, quan trọng hơn là thông điệp mà nó mang đến cho người đọc. Chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không lưu giữ trong mình hình ảnh về một mái trường, về thầy, về cô. Thứ tình cảm thuần khiết ấy ai cũng biết, ai cũng có thể cảm nhận được, nhưng không phải ai cũng biểu cảm được.

Ngôi trường này, vòm Thành này đã thiết thân với biết bao thế hệ, biết bao con người. Vậy nhưng đã có mấy người nói lên tình cảm của mình về nó. Và vì thế, viết về nó, từ trước đến nay, bằng văn, bằng thơ hay nhạc, chắc hẳn chỉ đếm trên đầu ngón tay một số ít sáng tác thực sự sâu sắc và có ý nghĩa.

Bài thơ này của Thủ trưởng đã nói hộ tiếng lòng của rất, rất nhiều thế hệ cán bộ, học viên, nhân viên Nhà trường. Nếu không phải là người có tình cảm sâu sắc và thực sự nhiệt tâm với sự phát triển của Nhà trường, với sự nghiệp trồng người thì với một người mới chỉ gắn bó một thời gian ngắn sẽ không thể viết được những lời thơ ý nghĩa như thế (bởi có rất nhiều người gắn bó cả đời mà cũng có viết được gì đâu). Ngôi trường này thực sự may mắn có một Người Thầy như thế (trong tâm trí của em cho đến bây giờ, và có lẽ mãi về sau này nữa, sẽ luôn ấn tượng và khắc in hình ảnh một dáng người thoăn thoắt đạp xe, thoăn thoắt lần gỡ những gian khó cho ngôi trường này, mộc mạc vậy nhưng sao xúc động thế. Một bài học về sự giản dị, sâu sát, cụ thể mà nhiều người trẻ chúng em đang thiếu.

Trở lại với bài thơ, dù không dài nhưng nó là bức tranh sinh động, đầy đủ về quá trình xây dựng và trưởng thành của Nhà trường bằng những hình ảnh mộc mạc, chân thực nhưng lại là chứng nhân của những thăng trầm. Đó là vòm Thành phong rêu, là cây phượng già, cây xà cừ cổ thụ…Nhưng hơn hết là về những con người nơi đây: nhân văn (bởi chất quan họ, bởi chất chính trị), sống thanh tao và cống hiến hết mình.

 Và nữa, trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay về với quá khứ mà là đem hết sức mình để tiến về tương lai, sải tung cánh để “hướng chân trời”. Suy cho cùng, vì ngược gió mà diều mới bay lên được. Nên phải chăng, hãy thay đổi cách nghĩ, thay vì cứ lấy vượt khó làm cái cớ để vin vào mà tự trói mình trong nếp nghĩ cũ và bằng lòng với những gì đang có, thì hãy coi ngược và vượt khó là cách để khẳng định, để trưởng thành.
NGUYỄN VĂN THƯỞNG
Trong suốt chặng đường lịch sử 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trải qua những cung bậc thăng trầm của sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. “Mái trường trong lòng Thành cổ” đã bao lần đổi tên, tách, nhập nhưng vẫn sắt son với con đường hướng tới mục tiêu đã định. Đã có biết bao thế hệ học viên về nhập Trường, rồi sau thời gian đào tạo lại ra đi khắp mọi miền Tổ quốc để cống hiến con tim, khối óc và cả máu xương cho Tổ quốc thân yêu… Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2015), trong giây phút xúc động trước công lao to lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã cống hiến trí tuệ và công sức cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà trường, bằng tâm hồn nghệ sĩ của một vị tướng tài ba, đồng chí Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Nhà trường đã cảm tác bài thơ “40 mùa chim xây tổ” gửi tặng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét