Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

NHẬN DIỆN ÂM MƯU, HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ


(Tiếp theo)
          Tư tưởng, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam trên đây, có khi được gắn với danh nghĩa “độc lập”, có khi không. Cái gọi là “Độc lập” thực chất là nhằm lôi kéo, giành giật, lừa phỉnh quần chúng Nhân dân, nhất là lớp trẻ, ít kinh nghiệm sống, ít thông tin, hòng làm giảm sút lòng tin, thoát ly, đối lập với hệ thống chính trị hiện nay, với Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị- xã hội, các hội, đoàn, câu lạc bộ hợp pháp, mà chung nhất là Mặt trận Tổ quốc. Bản chất của chúng không hề là “dân sự”, mà ngày càng bộc lộ chân tướng, mưu đồ chính trị, đang trở thành một nguy cơ đe dọa đến tình hình an ninh chính trị của nước ta. Tất cả các tổ chức đó đều tự phát, tự xưng, không được đăng ký hoạt động hợp pháp, đa phần chưa phải là tổ chức hoàn chỉnh, đa số hoạt động bí mật hoặc bán công khai, chủ yếu thông qua “đời sống ảo” trên các mạng xã hội, có nhiều chiêu trò, chiêu thức tuyên truyền, hoạt động tùy vào diễn biến của đời sống xã hội.
3. Để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò lợi dụng xã hội dân sự của các thế lực thù địch, nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng ở nước ta, cần tập trung tổ chức thực hiện một số nội dung cơ bản sau đây:
          Một là, cần vạch rõ bản chất xã hội dân sự trong xã hội tư bản chủ nghĩa và vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay. Về căn bản, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, xã hội dân sự có điều kiện hình thành, tồn tại, làm đối trọng với quyền lực chính trị, chủ yếu thông qua nhà nước tư sản của các thế lực tư bản cầm quyền; làm đối trọng với quyền lực kinh tế của các thế lực tư bản tài chính, sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận. Các tổ chức xã hội dân sự trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mặc dù còn khá mù mờ, không rõ định dạng, được tài trợ, bị thao túng, hướng lái, nhất là các NGO ở các nước tư bản phát triển, và được tô vẽ là cơ chế đảm bảo quyền dân chủ cho cộng đồng, tạo diễn đàn, cơ hội phản biện cho người dân về hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước; là điều kiện phát huy vai trò hoạt động phi lợi nhuận trong kinh tế thị trường[1]. Do đó, có sự tồn tại các tổ chức xã hội dân sự cho bộ phận còn lại của xã hội vốn yếu thế về quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, thực chất là một cách nhằm tuyên truyền, xoa dịu mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp. Cố nhiên, trong xã hội dân chủ thuộc về kẻ giàu, nắm quyền thống trị, được tuyên truyền lừa bịp về nhà nước “phi chính trị”, “phi giai cấp” của nhà nước tư sản[2], thì đến lượt xã hội dân sự cũng được tô vẽ là “độc lập”, “phi chính trị”. Mục đích đó cần thiết cho chế độ chiếm hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất, chế độ đa nguyên, đa đảng, nhà nước pháp quyền TBCN mang bản chất giai cấp tư sản - bức tranh phản ánh sự đối kháng, khó dung hòa về lợi ích cơ bản, đối trọng về quyền lực giữa giai cấp tư sản cầm quyền và quảng đại quần chúng nhân dân lao động[3]. Có một thực tế là, các thế lực tư bản tài chính – ngân hàng rất cần thâu tóm công đoàn độc lập để lũng đoạn quyền lực nhà nước, vươn vòi bạch tuộc, khống chế các tập đoàn, nhà sản xuất hàng hóa, và được cài một cách tinh vi trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhà nước pháp quyền là văn minh của nhân loại, không phải là của riêng giai cấp tư sản, do đó, không nhất thiết cứ có nhà nước pháp quyền thì phải áp dụng mô hình xã hội dân sự giống như của các nước tư bản chủ nghĩa vào các nước XHCN - nơi công khai tính đảng, tính giai cấp của nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Trong môi trường pháp lý, văn minh, không cho phép cá nhân, tổ chức bất chấp pháp luật, không tôn trọng nhà nước, xã hội thiếu tính tổ chức, hỗn mang, lủng củng như “một bì khoai tây” được.        
Việt Nam cũng có các tổ chức dân sự, thậm chí còn rất đa dạng, phong phú, nhưng có tôn chỉ mục đích hoạt động phù hợp với bản chất, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng sự thống nhất về lợi ích căn bản; không đối kháng, đối trọng giữa nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cộng đồng xã hội. Người dân thấu hiểu và tham gia tích cực vào các hội, hiệp hội, đoàn, công đoàn, câu lạc bộ… ở nhiều ngành nghề, giới tính, lĩnh vực đời sống xã hội; đó là nơi thực hiện chức năng đại diện cho nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, toàn diện của mình; nơi thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức các hoạt động xã hội hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động tham gia cung ứng các dịch vụ công, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo… Không thế nói xã hội dân sự ở Việt Nam là con số không, như luận điệu của các “nhà dân chủ” phản động lu loa, vu khống, xuyên tạc. Cái không có ở Việt Nam là mô hình xã hội dân sự “phi chính trị”, “xã hội dân sự độc lập” của các thế lực thù địch.
          Hai là, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng phòng, chống luận điệu phản động về xã hội dân sự ở Việt Nam. Đây là hoạt động cơ bản, mũi giáp công chủ yếu trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Trên thực tế, mớ lý thuyết về xã hội dân sự đã thể hiện vai trò là nguồn gốc, cơ sở cho những tư tưởng, suy nghĩ của các lực lượng thâm thù chế độ ta, định hướng cho âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; được các thế lực phản động, thù địch vận dụng, cụ thể hóa thành các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, hoạt động chống phá. Ráp nối lý thuyết về “xã hội dân sự” và các hoạt động “diễn biến hòa bình” sẽ thấy sự thống nhất, nhất quán về tư tưởng, suy nghĩ và hành động của chúng. Mục tiêu của chúng là nhằm “phi chính trị hóa” nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, hình thành và phát triển các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập, tạo phong trào chống đối Đảng, chính quyền, thực hiện “tiến trình dân chủ ở Việt Nam”, thay đổi thể chế như từng diễn ra ở Đông Âu, SNG và Trung Đông – Bắc Phi thời gian qua. Do vậy, cần tập trung vạch trần mục đích thâm độc, tính chất nguy hại, nội dung phản động của các ngụy luận về “xã hội dân sự”, dân chủ, nhân quyền. Nhất là những quan điểm sai trái về vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện cầm quyền, vai trò của nhà nước và các công cụ bạo lực sắc bén của nhà nước, về thực thi dân chủ trong đời sống xã hội.
          Tập trung lực lượng nghiên cứu, nhận diện, phân tích, đánh giá trên cả hai bình diện,lý thuyết và thực tiễn, để có cơ sở tuyên truyền, đấu tranh đập tan những luận điệu xuyên tạc, reo rắc của các thế lực thù địch, đồng thời cũng là con đường, biện pháp cơ bản đưa đến cho quảng đại quần chúng có nhận thức đúng đắn về cái gọi là “xã hội dân sự”. Muốn vậy, cần chú trọng bồi dưỡng trách nhiệm chính trị, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu, truyên truyền, giáo dục, bộ phận chuyên trách luôn có đủ khả năng đáp trả những lập luận phi khoa học, những chiêu trò, phương thức chống phá; chú trọng vô hiệu hóa lực lượng truyền bá, phương tiện sử dụng, địa bàn hoạt động của chúng. Cùng với đó, tích cực bám nắm thực tiễn. tình hình tư tưởng Nhân dân để có nội dung, đối sách đấu tranh phù hợp, có tính thuyết phục cao.
          Chủ động hình thành thế trận rộng khắp, liên tục, vững chắc, tích cực đấu tranh trên nhiều hướng, nhiều mũi, nhiều trình độ. Tăng cường quản lý truyền thông, thông tin theo yêu cầu thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận, nhận thức. tạo diễn đàn xã hội đa chiều, lành mạnh, văn minh. Chấn chỉnh hoạt động báo chí, kiên quyết xử lý những sai phạm, nhất là đối với những  những tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Nỗ lực giành thế chủ động, làm chủ thông tin, quản lý tốt và đấu tranh có hiệu quả trên không gian mạng, vốn là môi trường chủ yếu của hoạt động truyền bá, kích động của diễn đàn xã hội dân sự, hoạt động “diễn biến hòa bình”.
          Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng. Trong khi những thế lực thù địch, phản động, dùng đòn nhử “xã hội dân sự” để mê hoặc, kích động “phi chính trị hóa”, phá vỡ, làm rối loạn cơ chế, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị XHCN thì việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng là rất quan trọng để lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tạo sức mạnh, niềm tin, làm vô hiệu hóa sự chống phá.
          Trong xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, cần chú trọng xác định được đường lối đúng đắn về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kiên quyết chống đa nguyên, đa đảng, tự chuyển biến, tự chuyển hóa; giữ vững nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc lãnh đạo; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò đảng cầm quyền đối với Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc; khắc phục biểu hiện làm thay, chỉ đạo quá sâu vào công việc chuyên môn, nghiệp vụ, làm xơ cứng, hành chính hóa các hoạt động. Tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân. Lãnh đạo thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ của hệ thống chính trị; phát huy dân chủ XHCN gồm cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
          Đối với Nhà nước, trong khi giữ vững nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhất quán quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, khẳng định vai trò thượng tôn pháp luật, cần chú trọng thực thi tốt hơn chức năng xã hội theo hướng hành động, kiến tạo, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Trong khi thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, cần nghiên cứu sâu kỹ các tác động, nhất là đối với lợi ích của người dân, chủ động giải quyết dứt điểm những bức xúc, tiêu cực trong xã hội, không để bị lợi dụng, kích động chống phá. Củng cố, nâng cao vai trò là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Quân đội, Công an. Phát hiện, đập tan những luận điệu, hành động chống phá, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế kiểm soát quyền lực, tích cực phòng, chống quan liêu, tham nhũng, nhất là tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo cho các tổ chức xã hội hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của nhà nước, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
          Để thể hiện vai trò xã hội trước sự công kích của diễn đàn xã hội dân sự phản động, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng cần phát huy chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm. Trong đó, phải mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân theo hướng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng thực thi dân chủ XHCN, tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh…bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, hội viên. Chủ động tiếp nhận quá trình đẩy mạnh xã hội hóa, khi được hỗ trợ các nguồn lực và tạo điểu kiện hoạt động dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết đảm nhiệm. Thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự quản trong khuôn khổ pháp luật; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng “nhà nước hóa”, “hành chính hóa”, hoạt động chưa đúng mục đích, tôn chỉ và xa rời đoàn viên, hội viên, thành viên. Mặt trận Tổ quốc cần phát huy vai trò liên minh chính trị hơn nữa điều kiện Đảng cầm quyền, có sự quản lý của Nhà nước. Tập trung thực hiện tốt chức năng phản biện và giám sát. Trong đó, phải đồng thời thực hiện giám sát quyền lực Nhà nước, vận động Nhân dân giám sát và tự mình giám sát. Chủ động phản biện, góp ý kiến chân tình với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách ở Trung ương và cơ sở, tạo điều kiện Đảng, chính quyền có nhận thức đúng đắn, tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành tốt hơn, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò là phương thức dân chủ XHCN.             
         
         
         
         




[1] Có một số tổ chức NGO được tạo ra một cách cơ hội, để tiến cử những lợi ích hẹp hòi và những thành viên có cùng đặc quyền, đặc lợi, thường làm thiệt hại cho những người không có tiếng nói và yếu thế (Ngân hàng thế giới: Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi. Báo cáo về tình hình phát triển thế giới. Nxb Chính trị quốc gia. H.1998 tr139, tr144)
[2] Điều 29 của Tuyên bố chung, Điều 22 của Hiệp ước quốc tế và Điều 11 của Công ước Châu Âu về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đều cho phép luật pháp có thể đưa ra những hạn chế cần thiết đối với quyền lập và tham gia hội trong một xã hội dân chủ nhằm phục vụ lợi ích an ninh quốc gia và sự bình yên của xã hội, nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng mất trật tự và tội phạm, bảo vệ sức khỏe và nhân phẩm hay bảo vệ quyền lợi và tự do của những người khác.
[3]  Theo Ngân hang Phát triển Châu Á: “Các tổ chức xã hội công dân cũng có thể bao gồm những hiệp hội có động cơ bạo lực, tham lam, lợi ích cục bộ, thù địch sắc tộc , và đàn áp xã hội, cũng như các tổ chức kinh doanh vận động hành lang như ngành công nghiệp thuốc lá, là không thể đại diện cho lợi ích của đông đảo lợi ích đông đảo quần chúng (Ngân hàng Phát triển Châu Á: Phục vụ và duy trì, cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh Nxb Chính trị quốc gia, H.2003, Tr613) ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét