Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, chính vì
vậy phát triển văn hóa, xây dựng con người là chiến lược song hành với sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là tấm gương thể hiện bản chất
ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất
nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đường lối phát
triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đúng đắn của Đảng là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng
cao của nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh
tế, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
1. Trong những năm qua, quán triệt và thực hiện quan điểm, mục tiêu, chủ
trương, phương hướng và giải pháp của Đảng, sự nghiệp phát triển văn hoá đã
được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiệm vụ xây dựng con người có bước chuyển quan
trọng. Đã thường xuyên lả công tác quan
trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, ngày
càng có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc
phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Nguồn lực nhà nước, xã hội đầu tư cho văn hóa được nâng lên. Công tác quản
lý nhà nước về văn hoá được tăng cường, thể chế hoá và từng bước hoàn thiện. Hệ
thống các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, bổ sung, góp phần tạo hành
lang pháp lý cho hoạt động và sáng tạo văn hoá, thiết lập trật tự, kỷ cương, ngăn
chặn sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại. Phát huy được công năng của các
thiết chế văn hoá , xây dựng nhiều công trình văn hoá, hướng đến đáp ứng tốt
hơn nhu cầu văn hoá của nhân dân. Đội ngũ làm công tác văn hóa có bước trưởng
thành.
Bầu không khí xã hội dân chủ cởi mở hơn, dân trí nâng lên, quyền con người được
tôn trọng, tính tích cực xã hội được phát huy. Người dân có nhiều cơ hội tiếp cận
thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hoá. Đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần
yêu nước, lòng tự hào dân tộc được khơi dậy. Nhiều chuẩn mực văn hoá, đạo đức mới
được hình thành, nhìn nhận, đánh giá theo khía cạnh mới với khát vọng vươn lên
làm giàu chính đáng, tôn trọng pháp luật. Xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức tốt
đẹp, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm, lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng,
xã hội, đất nước, dám đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác, cổ vũ cái đúng, cái tốt,
cái đẹp, chuẩn mực lối sống phù hợp với thuần phong, mỹ tục, với nhịp sống công
nghiệp và hội nhập quốc tế.
Đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú. Việc xây dựng gia đình,
làng, bản, khu phố, công sở, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá, có bản sắc văn hoá dân
tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại được định hướng. Thực hiện nếp sống văn
minh trong việc cưới, việc tang được nhân dân đồng tình. Chương trình xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác giữ gìn an ninh, trật tự, cảnh quan môi
trường xanh, sạch, đẹp, an toàn và phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn
hóa, xoá đói giảm nghèo đi vào cuộc sống. Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng
phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nhiều di sản văn hoá
vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo. Phong tục tập quán tốt đẹp của đồng
bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo và sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân được quan tâm.
Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hoá có nhiều khởi sắc, góp phần giới thiệu,
quảng bá văn hoá Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại song
hành với quá trình đa phương hoá, đa dạng hoá hoạt động đối ngoại.
Tuy nhiên, vẫn còn những khuyết điểm, tồn tại như: So với những thành tựu
trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu
trong lĩnh vực văn hoá chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả việc
xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh. Thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa
văn hoá với kinh tế, chính trị; giữa các lĩnh vực của văn hoá. Nhiều chương trình,
dự án phát triển kinh tế còn nặng về lợi ích kinh tế, coi nhẹ giá trị văn hoá,
con người và môi trường. Tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội chưa
được ngăn chặn.
Môi trường văn hoá còn có tình trạng thiếu lành mạnh, trái
với thuần phong mỹ tục. Một
số sinh hoạt văn hoá dân tộc bị biến dạng trước tác động của cơ chế thị trường
và văn hoá ngoại lai. Chênh lệch về hưởng thụ và sáng tạo văn hoá giữa các dân
tộc, vùng sâu, vùng xa với khu vực đồng bằng, đô thị còn khá cao.
Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hoá, văn hoá trong kinh tế, về huy động,
quản lý các nguồn lực cho văn hoá chưa cụ thể, rõ ràng. Chưa xử lý kịp thời những
vấn đề mới nảy sinh. Việc thể chế hoá chủ trương của Đảng còn chậm, thiếu đồng
bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hoá các cấp,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng nhập
khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hoá nước ngoài, đã
tác động tiêu cực đến đời sống văn hoá của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.
2. Để phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từ thực tiễn, thiết
nghĩ, cần phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ, tập trung giải quyết một
số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai
trò của văn hóa, xây dựng con người, trước hết là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể
các cấp. Trong đó, tập
trung khắc phục các biểu hiện chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực văn hóa, xây dựng
con người; việc quán triệt quan điểm, mục tiêu, chủ trương, phương hướng, giải
pháp trong các nghị quyết của Đảng chưa sâu sắc, nhất là về vị trí, vai trò,
đặc trưng của văn hóa. Không thể hiểu văn hóa chỉ là những hoạt động văn hóa cụ
thể, dẫn tới lơi lỏng trong lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức thực hiện, tạo đà cho tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống có
nhiều mặt bị sa sút, hoạt động văn hóa chạy theo thành tích, phô trương, thiếu
chiều sâu nhân văn, thiếu tính bền vững.
Hai là, tích cực, chủ
động, phối hợp trong quán triệt, triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục
khâu yếu, mặt yếu trong phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trên thực tế, những yếu kém, sai phạm, bức xúc về văn hóa
đã rõ, nhưng việc lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết chưa quyết liệt, thiếu dứt điểm
hoặc phương pháp xử lý không phù hợp, kém hiệu quả, thường nặng về biện pháp
hành chính, pháp luật, nhẹ về vận động, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục. Sự phối
hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Việc
cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ và trong
một số trường hợp thiếu khả thi. Do vậy, chưa động viên tối đa các nguồn lực và
chủ thể tham gia vào sáng tạo và truyền bá văn hóa, ngăn chặn, đẩy lùi sản phẩm
văn hóa độc hại, tiêu cực.
Do đó, phải đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý văn hóa
của các cấp từ Trung ương đến địa phương, thoát khỏi lối mòn mệnh lệnh, bao
cấp, đơn giản; phải lường hết tính phức tạp và những tác động tiêu cực từ mặt
trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Khắc phục đầu tư dàn trải cho lĩnh vực văn hóa, hiệu
quả thấp, lãng phí. Nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để xử lý đúng
hướng và có hiệu quả, nhất là trước sự phát triển của công nghệ thông tin. Quan
tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh
vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Theo đó, cần bổ
sung, thực thi nghiêm túc chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ,
tôn vinh các lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng
người có tài, có đức. Điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người
hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù.
Ba là, thực hiện nhất quán
mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền văn
hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm
nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa phải thực sự trở
thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng
bảo đảm sự phát triển bền vững của Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện tốt các
nhiệm vụ: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường
văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa trong chính trị và
kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng,
hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ
động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp
tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước đối với văn hóa.
Bốn là, tích cực, chủ động
triển khai các hoạt động đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm bảo vệ,
phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện toàn
cầu hóa, hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin mạng. Trong đó, cần tập trung làm rõ giá trị khoa học và cách
mạng, giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của học thuyết Mác- Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, nhất là trong điều kiện hiện nay, dân chủ hóa, bảo đảm quyền con
người đang trở thành một trong những xu thế thời đại, động lực của phát triển.
Đồng thời, nghiên cứu sâu truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, làm cơ sở cụ
thể hóa, thực tiễn hóa mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây
dựng con người Việt Nam. Tiếp tục tổ chức triển khai, đổi mới căn bản, toàn
diện việc truyền bá, giáo dục, giảng dạy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của văn hóa Việt Nam. Trong điều kiện bùng
nổ thông tin mạng toàn cầu, “thế giới phẳng” hiện nay, sự biến đổi và phát
triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và đời sống, cần chủ động nghiên cứu,
trao đổi, tiếp thu thành tựu khoa học, tinh hoa, yếu tố tiến bộ của các trào
lưu tư tưởng, văn hóa đương đại, kể cả các trào lưu tư tưởng, văn hóa ở các
nước tư bản chủ nghĩa; đồng thời công bố, truyền bá kết quả, thành tựu phát
triển văn hóa, xây dựng con người của Việt Nam ra thế giới. Triển khai tổ chức
đấu tranh không khoan nhượng với sự “Xâm lăng về văn hóa”, nhất là đối với
những sản phẩm văn hóa phản động, sai trái, độc hại. Thực hiện tốt phương châm,
lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực trong phát triển
văn hóa, xây dựng con người.
Phùng
Văn Lập. 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét