Trong quá trình tiến hành chiến lược “Diễn biến hòa bình” ở
Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động có rất nhiều “âm mưu, chước quỷ”,
thâm độc, nguy hiểm.. Gần đây, họ ra sức tuyên truyền đang chuẩn bị cho cái gọi
là “Cách mạng hoa Sen” ở Việt Nam. Từ ngàn đời, hoa Sen đã gắn liền với người
dân đất Việt, ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người qua những vần thơ, những câu
ca dao đầy sâu lắng - “Trong đầm gì đẹp bằng Sen/ Lá xanh bông trắng lại
chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi
bùn”. Không những thế, hoa Sen còn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ
Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam - “Tháp
Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Phải chăng vì
những lẽ đó, cùng nhiều lý do khác mà có không ít người mong muốn,
đề xuất lấy
hoa Sen làm quốc hoa Việt Nam. Sự thâm độc của các thế lực thù địch, phản động
chính là ở chỗ này - lấy tên cho một cuộc cách mạng ảo tưởng - “Cách mạng hoa
Sen”. Họ đang ra sức tuyên truyền về thành công của các cuộc cách mạng mà họ đã
từng tiến hành ở một số nước, mới như: “Cách mạng hoa Hồng”, “Cách mạng hoa Tuy
Líp”,… nên có thể thấy đây thực chất là biến thể của “Cách mạng màu” mà họ từng
sử dụng để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa và những nước không đi
theo quỹ đạo của họ. Thực hiện cuộc “Cách mạng hoa Sen”, họ sẽ che dấu được âm
mưu hòng dễ bề lôi kéo nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các cuộc “Cách mạng màu”
chủ yếu thông qua phong trào của thanh niên để tiến hành biểu tình, gây dư
luận, thúc ép chính quyền đương nhiệm từ chức. Họ biết rằng, thanh niên là chủ
thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thanh niên trí thức,
nhưng thanh niên cũng dễ bị lôi cuốn do tính cách nhiệt tình và thiếu kinh
nghiệm, v.v. Nhận rõ đặc điểm này, nhiều thế lực phản động đã thông qua các
hoạt động phong trào để kích động thanh niên biểu tình, gây bạo loạn, lật đổ.
Các cuộc cách mạng màu đã diễn ra ở một số nước, như: “Cách
mạng hoa Hồng” ở Gru-di-a năm 2003, “Cách mạng Cam” ở U-crai-na năm 2004, “Cách
mạng hoa Tuy-líp” ở Cư-rơ-gư-xtan năm 2005,… đúng hơn đó là các cuộc biểu tình,
bạo loạn chống đối, lật đổ chính quyền do lực lượng thù địch cấu kết với những
phần tử cơ hội chính trị đang sống lưu vong ở nước ngoài và trong nước được các
nước phương Tây, trực tiếp là Mỹ hà hơi tiếp sức thực hiện. Các cuộc cách mạng
này đã không thực hiện đúng chức năng của một cuộc cách mạng thực thụ, đó là:
thay thế hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời, lạc hậu bằng một hình thái kinh
tế - xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn, mà thực chất chỉ là cuộc lật đổ chế độ
bằng các thủ đoạn phi bạo lực kết hợp với bạo lực ở mức độ khác nhau. Không thể
gọi đó là một cuộc cách mạng, dù có mang mầu sắc sặc sỡ, mang tên loài hoa đẹp
bao nhiêu đi chăng nữa. Đặc biệt hoa Sen, một loài hoa không những mang vẻ đẹp
thuần khiết, đậm triết lý nhân sinh Việt Nam, mà còn ăn sâu, bám rễ vào đời
sống tinh thần của người dân Việt Nam thì càng không thể gắn với những âm mưu
và hành động đi ngược lợi ích của Quốc gia, dân tộc.
Các thế lực thù địch ở hải ngoại đã cấu kết với một số phần
tử cơ hội, bất mãn viết khá nhiều bài tuyên truyền trên nhiều diễn đàn, mạng xã
hội, internet, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại, bàn luận
khá ầm ĩ về “Cách mạng màu” và khả năng áp dụng ở Việt Nam. Một số đối tượng có
dã tâm chống Cộng quyết liệt thì say sưa phân tích thế sự từ cổ chí kim, từ Tây
sang Đông, từ chuyện Ai Cập, Li-bi, U-crai-na,... để “soi rọi”, “cảnh báo cho
quốc dân đồng bào trong nước”. Họ cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo
kiểu “mẫu” của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm,
không đổ máu” ở Việt Nam. Chúng huênh hoang, bất chấp lý luận về cách mạng xã
hội khi lập luận: các cuộc “Cách mạng màu” đều mang tính tự phát của quần
chúng, không cần gắn liền với một ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào. Đây
chính là yếu tố quan trọng góp phần thành công, mà các cuộc cách mạng trước kia
không có.
Sự thâm độc, xảo quyệt của chiêu bài này càng lộ rõ khi các
thế lực phản động và thù địch xác định cụ thể, tỷ mỷ cách làm cho từng giai
tầng, lực lượng xã hội ở Việt Nam. Họ còn mạnh bạo tuyên bố, phương tiện chính
để tập hợp lực lượng là điện thoại di động thông minh, mạng xã hội, internet,
facebook, youtube, v.v. Theo họ, “Cách mạng hoa Sen” ở Việt Nam thuận lợi hơn
vì dân số trẻ, lại thực hiện sau đã đúc rút được kinh nghiệm từ các cuộc “Cách
mạng màu” ở một số nước nên chính quyền khó bề đối phó. Họ còn hình thành các
bước hành động: ban đầu lợi dụng lòng yêu nước kêu gọi mọi người tụ tập ở một
số nơi nhạy cảm, như: trước cổng cơ quan chính quyền, đại sứ quán, thành phố
lớn, tiếp đó là yêu sách, rồi tiến tới lật đổ chính quyền. Vụ giàn khoan HD -
981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, họ lấy danh nghĩa “Hướng về biển, đảo quê
hương” kích động bài xích quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, kêu gọi nhân dân xuống
đường biểu tình, hòng gây bạo loạn. Gần đây nhất, nhân vụ cá chết hàng loạt ở
04 tỉnh miền Trung, họ cũng kích động kêu gọi biểu tình, thực hiện cuộc “Cách
mạng cá”, v.v. Tuy nhiên, mưu đồ kích động gây biểu tình, bạo động để thực hiện
“Cách mạng hoa Sen” của họ dù được che đậy khôn khéo, tinh vi, nhưng vẫn không
thể lừa gạt được, sớm bị các cơ quan chức năng Việt Nam phát giác, ngăn chặn.
Cao hơn, họ tổ chức biểu tình, phản đối những hạn chế trong điều hành, quản lý
kinh tế; tiêu cực xã hội (tham ô, tham nhũng, lãng phí,…) kêu gọi lật đổ chính
quyền, rồi phát động phong trào “toàn dân xuống đường,... cứu nước”, kêu gọi:
“Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đứng ngoài cuộc và bảo vệ nhân dân”. Họ
còn tham vọng rằng, khi các cuộc biểu tình được đẩy lên đến đỉnh điểm tại các
thành phố lớn, họ kêu gọi nước ngoài can thiệp. Nhìn lại một vụ việc xảy ra
trong thời gian qua không khó để nhận thấy bàn tay dơ bẩn của các thế lực thù
địch.
Nhìn lại cuộc “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố”,… đã
diễn ra do các phe đối lập tiến hành để lật đổ chính quyền đương nhiệm đã có
thành công nhất định ở một số nước, nhưng cũng thất bại ở nhiều nước. Kiểu cách
mạng này đã thất bại ở A-déc-bai-gian, U-dơ-bê-ki-xtan, Bê-la-rút,... còn tại
Cư-rơ-gư-xtan, mặc dù chính quyền có thay đổi, song đường lối vẫn thiên về Nga,
tức là phương Tây không giành được thắng lợi tuyệt đối. Vậy điều gì quyết định
sự xuất hiện và thành bại của những cuộc cách mạng kiểu này? Trước hết, yếu tố
nội tại mang tính quyết định. Xuất phát từ những sai lầm của đảng cầm quyền,
của chính quyền trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước, các thế lực đối
lập ở nước sở tại được sự tiếp sức của phương Tây đã tạo ra được môi trường
nhen nhóm, tổ chức lực lượng, phát động quần chúng. Cái gọi là cuộc “Cách mạng
màu”, hay “Cách mạng hoa Sen” mang danh nghĩa “vì dân, vì nước” nhưng thực chất
là hại dân, phản nước sẽ không thể có chỗ đứng, tồn tại. Bởi thứ nhất, Việt Nam
không chấp nhận bất cứ tổ chức chính trị đối lập dưới dạng nào; thứ hai nhân
dân Việt Nam luôn giữ trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng - ý Đảng, lòng dân
hòa quyện làm một; công cuộc đổi mới đất nước đang đi đúng hướng, diện mạo của
đất nước đổi thay tích cực theo hướng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Cùng với
đó, quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng, đảm bảo tốt hơn. Nhiều tổ chức
quốc tế, bạn bè thế giới bày tỏ sự mến phục Việt Nam không chỉ anh hùng trong
kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn “thần kỳ” trong xây dựng, phát triển đất
nước, bảo vệ quyền lợi người dân; xếp Việt Nam vào tốp các nước điển hình về
xóa đói giảm nghèo thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đó là sự
thật không thể phủ nhận.
Nhân dân Việt Nam đã và đang tự hào về đất nước mình, được
thụ hưởng những giá trị tốt đẹp nhất và rất hạnh phúc với các quyền cũng như
nghĩa vụ mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại. Toàn thể người dân Việt Nam không
cần loại “hình vẽ” về cái gọi là “Cách mạng hoa Sen” mà các thế lực thù địch và
phản động đang rêu rao, mua chuộc, lừa gạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét